“Vắc xin, mang chúng ta gần nhau hơn”
Việc nghiên cứu ra vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và cả người lớn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của y học. Nhờ có vắc xin mà nhiều dịch bệnh đã được khống chế, loại trừ và thanh toán, đặc biệt là các bệnh cúm, đậu mùa, uốn ván, bại liệt… Đặc biệt, với người già, người mắc bệnh mạn tính có hệ miễn dịch suy yếu, nếu không được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh sẽ dễ mắc bệnh, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Bắt đầu từ thế kỷ 18, Bác sĩ Edward Jenner, đã có công lao to lớn phát minh ra vắc xin chống lại đại dịch đậu mùa, một thảm họa y tế tại nước Anh lúc bấy giờ. Đến nay đã có 30 vắc xin phòng 40 bệnh truyền nhiễm.
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, di chứng tàn phế, chi phí điều trị y tế và tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như thủy đậu, bại liệt, uốn ván sơ sinh,… đem lại những lợi ích to lớn cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng, đã được toàn thế giới công nhận.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là mặc dù những lợi ích to lớn từ vắc xin, hiện nay trên thế giới vẫn còn gần 20 triệu trẻ em không được tiêm các loại vắc xin mà chúng cần, nhiều gia đình đã từ chối hoặc trì hoãn việc tiêm chủng cho con em, trên mạng xã hội còn xuất hiện phong trào tẩy chay vắc xin. Đối với người trưởng thành, còn đông đảo người dân vẫn chưa thật sự quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng của vắc xin nên hiện nay người lớn tuổi là nhóm người có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Chính vì vậy, nhân Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, ngày 26/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh vaccine toàn cầu Gavi đã nêu bật sự cấp thiết phải đổi mới cam kết toàn cầu nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng vaccine, trong bối cảnh hàng triệu trẻ em vẫn dễ bị mắc các bệnh chết người dù các dịch vụ tiêm chủng đã bắt đầu phục hồi sau những gián đoạn do đại dịch COVID-19.
“Tuần lễ tiêm chủng thế giới” (World Immunization Week) là sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 4 từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 4 hàng năm, mục đích tăng cường sự tin tưởng của cộng đồng vào vắc xin, cũng như kêu gọi các quốc gia đầu tư cho vắc xin, nhằm thúc đẩy việc sử dụng vắc xin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật.
Chủ đề của Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm 2021 là “Vắc xin, mang chúng ta gần nhau hơn” (Vaccines bring us closer) cho thấy tầm quan trọng của hoạt động tiêm chủng trong việc gắn kết mọi người với nhau, đoàn kết các quốc gia, nhằm cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của cả thế giới bằng cách nhanh chóng đẩy lùi đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng thế giới“, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là một trong những chương trình mục tiêu sức khỏe quan trọng hàng đầu ở Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1981 và chính thức triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1985, cho đến nay đã có 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin phòng bệnh, đó là: Viêm gan B, lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella và vắc xin tả, thương hàn.
Trải qua 40 năm triển khai có hệ thống, chương trình TCMR ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, như là bảo vệ được hơn 3 triệu trẻ em và phụ nữ có thai hằng năm khỏi hơn 30 bệnh lý nguy hiểm; thanh toán được bệnh thủy đậu từ năm 1979, bệnh bại liệt từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005; tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các chi phí chăm sóc y tế.
Các vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng là những vắc xin thuộc diện bắt buộc, được cung cấp miễn phí để duy trì miễn dịch cộng đồng. Tiêm chủng bắt buộc là để tạo miễn dịch bảo vệ đặc hiệu phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không chỉ cho đối tượng được tiêm mà còn bảo vệ cho cả cộng đồng. Nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng thì bệnh vẫn có thể tiếp tục lưu hành trong cộng đồng và có nguy cơ lây cho những đối tượng chưa có miễn dịch, nhất là những đối tượng chưa đủ tuổi để tiêm chủng hoặc có chống chỉ định tiêm chủng.
Việt Nam đã có hơn 30 loại vắc xin phòng hơn 40 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang lưu hành. Bộ Y tế khuyến cáo, tất cả trẻ em và người lớn nên được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo lịch chủng ngừa để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và toàn xã hội. Hiện nay Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất Vắc xin Covid-19. Theo TS Nguyễn Ngô Quang (Phó cục Trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế): “Hy vọng vào cuối quý 3/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: Tiêm chủng vắc xin là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19, nhưng hiện nay số lượng vắc xin chưa thể đầy đủ để tiêm cho toàn dân Việt Nam, vì vậy giai đoạn đầu Bộ Y tế phân bố miễn phí vắc xin Astra Zeneca cho nhóm đối tượng và địa bàn ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Tối ngày 15/4, Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã có thông cáo báo chí chung khẳng định: Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn góp phần đẩy lùi đại dịch. Các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca là phản ứng bình thường của cơ thể trong quá trình đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc xin; trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca là rất hiếm gặp; trong khi lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên.
Để hưởng ứng một cách tốt nhất “Tuần lễ tiêm chủng thế giới” năm 2021 với chủ đề “Vắc xin, mang chúng ta gần nhau hơn”, Trung tâm tiêm chủng Gia Nguyễn đã chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin chính hãng cùng với đội ngũ cán bộ y tế tận tình chu đáo luôn sẵn sàng phục vụ mọi trẻ em và người lớn đến tiêm chủng. Mời Quý khách hàng tham khảo tại Website: https://tiemchunggianguyen.com.vn/
o Lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ em
o Lịch tiêm chủng vắc xin cho người chuẩn bị và mang thai
o Lịch tiêm chủng vắc xin cho người lớn
o Danh mục vắc xin cần thiết theo lứa tuổi
Bài viết tham khảo tài liệu của Bộ Y tế và của đồng nghiệp