Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn rất non nớt, do đó rất dễ mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy. Để ngăn ngừa nguy cơ bị tiêu chảy do rota, cha mẹ nên cho trẻ sử dụng vắc-xin Rotarix khi trẻ được 6 tuần tuổi trở lên.
Công dụng của việc sử dụng vắc-xin chủng ngừa tiêu chảy do rota
Vắc-xin Rotarix giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm dẫn đến bị tiêu chảy do rota. Đây là một trong những loại virus phổ biến gây bệnh tiêu chảy cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên toàn thế giới. Tiêu chảy do Rota gây nên có diễn biến rất nặng, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy nặng, mất nước, nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Nguy hiểm hơn, virus Rota rất dễ lây nhiễm, có thể nhanh chóng phát tán thành đại dịch chỉ thông qua tiếp xúc thông thường. Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm bệnh. Do đó, việc chủng ngừa vắc-xin Rotarix là hết sức cần thiết để trẻ có được sự bảo vệ tốt nhất.
Hầu hết các trường hợp chủng ngừa virus Rota sẽ không mắc tiêu chảy do loại virus này gây nên. Trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên đã có thể sử dụng vắc-xin ngừa virus Rota.
Tuy nhiên, tùy theo từng thể trạng của trẻ mà thời gian này có thể thay đổi. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng vắc-xin.Vắc-xin này không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ trên 24 tuần tuổi do chưa có bằng chứng để chứng minh nó có hiệu quả ở các trẻ lớn hay không.
Lịch tiêm chủng vắc-xin Rotarix
- Trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên có thể sử dụng vắc-xin chủng ngừa virus Rota
- Liều đầu tiên: khi trẻ được 6 tuần tuổi
- Liều thứ 2: sau liều đầu tiên tối thiểu 4 tuần
- Kết thúc 2 liều trước khi trẻ được 24 tuần tuổi
- Nếu liều đầu tiên sử dụng vắc-xin Rotarix thì liều thứ 2 bắt buộc phải tiếp tục dùng Rotarix.
Đường dùng
- Vắc-xin chủng ngừa virus Rota là vắc-xin dùng đường uống, không dùng để tiêm.
- Vắc-xin Rotarix có khả năng bám dính tốt nên trong quá trình uống hoặc sau khi uống trẻ có nôn trớ cũng không cần phải cho trẻ uống thêm liều khác.
Chống chỉ định
- Không dùng vắc-xin ngừa Rota cho trẻ quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vắc-xin.
- Không dùng liều thứ 2 với trẻ đã có phản ứng quá mẫn sau khi dùng liều đầu tiên.
- Không dùng vắc-xin Rotarix cho trẻ có tiền sử lồng ruột.
- Không dùng vắc-xin Rotarix cho trẻ có dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa.
- Không dùng cho trẻ bị rối loạn miễn dịch kết hợp trầm trọng.
- Tạm hoãn dùng vắc-xin khi trẻ đang sốt cao cấp tính hoặc có các triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa.
Thận trọng
- Thận trọng khi dùng vắc-xin cho trẻ mắc bệnh ác tính hoặc bị suy giảm miễn dịch hay đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch.
- Với trẻ bịsuy giảm miễn dịch hoặc nghi ngờ suy giảm miễn dịch cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng Rotarix.
- Vắc-xin Rotarix không làm tăng nguy cơ lồng ruột ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu hậu mãi cho thấy có thể làm tăng nhẹ nguy cơ lồng ruột trong vòng 31 ngày, chủ yếu là trong vòng 7 ngày đầu kể từ sau khi sử dụng liều Rotarix đầu tiên. Do đó, sau khi sử dụng vắc-xin, cần theo dõi trẻ sát sao, nếu có các biểu hiện đau bụng, nôn mửa, phân có máu, sốt cao… thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.
- Cân nhắc nguy cơ ngừng thở tiềm tàng và biện pháp giám sát hô hấp trong 2 – 3 ngày sau khi cho trẻ sinh non sử dụng vắc-xin.
- Không phải tất cả trẻ dùng vắc-xin đều có đáp ứng miễn dịch.
- Không tiêm vắc-xin Rotarix trong bất cứ trường hợp nào.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vắc-xin
- Chỉ nên cho trẻ sử dụng vắc-xin Rotarix khi trẻ khỏe mạnh. Nếu trẻ có các vấn đề về sức khỏe thì nên tạm hoãn, chờ đến khi trẻ bình phục.
- Vắc-xin chủng ngừa virus Rota là vắc-xin chứa virus còn sống nên cần thận trọng trong quá trình vệ sinh, thay tã cho trẻ sau khi chủng ngừa.
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc có các bệnh đường ruột cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Rotarix.
Vắc-xin Rotarix gây ra những tác dụng phụ nào?
Tác dụng phụ của vắc-xin Rotarix được ghi nhận rất nhẹ, bao gồm các triệu chứng tiêu chảy, sốt nhẹ, quấy khóc. Khả năng xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng là rất thấp. Nếu sau khi sử dụng vắc-xin trẻ có các biểu hiện đau bụng dữ dội, nôn mửa, đi ngoài ra máu thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.