Vắc-xin MVVAC là vắc-xin đơn giá phòng bệnh Sởi được sử dụng miễn phí cho trẻ em ở độ tuổi 9 tháng tuổi và người lớn chưa được miễn dịch tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, là tiêu chuẩn phòng bệnh sởi hàng đầu cho trẻ em vì hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị sởi.
Vắc-xin sởi đơn tên gì?
Vắc-xin sởi đơn hiện nay được sử dụng có tên MVVAC, là vắc-xin virus sống, giảm độc lực được sản xuất theo công nghệ chuyển giao của viện Kitasato (Nhật Bản) với công nghệ hiện đại đạt chuyển GMP WHO được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ cuối năm 2009 và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam.
Ngoài vắc-xin sởi đơn MVVAC, còn có các loại vắc-xin phối hợp khác nhằm phòng ngừa nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như: Bệnh sởi, rubella, quai bị cho trẻ em và người lớn.
Công dụng, liều dùng và cách sử dụng của MVVAC
Vắc-xin sởi đơn MVVAC được chỉ định để tạo nên miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và cả người chưa có kháng thể chống lại virus sởi. Lịch tiêm chủng vắc-xin MVVAC cụ thể như sau:
- Mũi 1: Tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Mũi 2: Tiêm nhắc lại khi trẻ được 15-18 tháng tuổi ( hoặc kết hợp với quai bị và Rubella trong MMR II )
Cách sử dụng:
Đường tiêm của vắc-xin sởi đơn MVVAC là tiêm dưới da và không được tiêm tĩnh mạch. Liều tiêm là 0,5 ml/ liều.
Quy trình tiêm như sau:
- Bước 1: Khử trùng các dụng cụ lấy vắc-xin và dụng cụ tiêm chủng theo quy định.
- Bước 2: Lau sạch đồng thời khử trùng bề mặt nắp lọ vắc-xin bằng cồn trước khi lên thuốc.
- Bước 3: Dùng bơm tiêm hút chính xác 5,5 ml nước cất pha tiêm, bơm vào lọ vắc-xin, lắc đều cho đến khi bột đông khô và vắc-xin tan hết, đảm bảo dung dịch không có cặn hay vẩn đục, dị vật.
- Bước 4: Dùng bơm tiêm 1ml lấy chính xác 0,5ml vắc-xin và thay đổi bơm tiêm cho mỗi người.
- Bước 5: Tiêm dưới da trẻ tuân theo hướng dẫn của chương trình TCMR.
- Bước 6: Thao tác không được nhiễm bẩn vào dụng cụ và thay đổi bơm kim tiêm khi lấy vắc-xin cho các trẻ khác nhau.
Chỉ định và chống chỉ định
MVVAC là vắc-xin sởi đơn được chỉ định:
- Để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên
- Phòng bệnh cho những người chưa có kháng thể sởi
Các đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin sởi đơn MVVAC bao gồm:
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vắc-xin
- Tạm hoãn tiêm các trường hợp đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính
- Người có suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải trừ trẻ HIV chưa tiến triển thành AIDS
- Phụ nữ có thai
- Bệnh nhân lao tiến triển chưa điều trị
Các tác dụng phụ không mong muốn
Sau khi tiêm phòng vắc-xin sởi đơn MVVAC phòng bệnh sởi, một số phản ứng không mong muốn có thể xảy ra bao gồm:
- Trẻ có thể đau, sưng hoặc ban đỏ tại vị trí tiêm trong khoảng 3 ngày
- Sốt, ho, sổ mũi có thể gặp ở một số trẻ kéo dài dưới 3 ngày
- Mặc dù được báo cáo nhưng co giật, viêm não hoặc giảm tiểu cầu rất hiếm gặp
- Phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin sởi đơn MVVAC chưa được ghi nhận
Vắc-xin sởi đơn MVVAC là vắc-xin sống giảm độc lực nên có thể dùng đồng thời với các vắc- xin sống khác mà không làm giảm đáp ứng miễn dịch, tuy nhiên theo nguyên tắc thì không được trộn lẫn các vắc-xin với nhau mà phải dùng bơm tiêm khác và tiêm ở vị trí khác. Hoặc phải tiêm cách các mũi vắc- xin sống khác tối thiểu 1 tháng.