Bệnh dại là bệnh phát sinh bởi loại virus lây lan qua vết cắn hoặc vết xước gây ra bởi động vật (chó, mèo, chồn hôi, dơi, gấu mèo…). Hiện nay đã có vắc-xin bệnh dại là phương pháp ngừa bệnh dại hữu hiệu nhất. Bởi các triệu chứng dại xuất hiện thì đã quá muộn để cứu bệnh nhân.
Tổng quan
Vắc-xin Verorab là vắc-xin tiêm phòng bệnh dại được chỉ định để phòng ngừa bệnh dại ở trẻ em và người lớn. Có thể dùng vắc-xin Verorab trước hoặc sau khi phơi nhiễm, để tiêm ngừa cơ bản hoặc tiêm nhắc lại.
- Sản xuất bởi: Sanofi Pasteur (Pháp).
- Quy cách đóng gói: Hộp 5 lọ, lọ 1 liều vắc-xin đông khô + 5 ống, ống 0,5ml dung môi, hoàn nguyên thành hỗn dịch tiêm.
- Dạng bào chế: Vắc-xin dạng bột đông khô và dung môi, hoàn nguyên thành hỗn dịch tiêm. Trước khi hoàn nguyên bột đông khô có dạng viên nhỏ màu trắng và đồng chất. Sau khi được hoàn nguyên, vắc-xin Verorab trở thành hỗn dịch trong suốt, đồng nhất.
- Cách bảo quản: Vắc-xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong tủ lạnh, không được để đông băng. Bảo quản trong hộp tránh ánh nắng chiếu vào.
- Hạn sử dụng: 3 năm kể từ ngày sản xuất. Nên sử dụng ngay sau khi hoàn nguyên.
Công dụng, chỉ định
Tiêm dự phòng trước phơi nhiễm cần được thực hiện ở các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm virus dại cao như:
- Nhân viên làm việc tại các phòng thí nghiệm chẩn đoán, nghiên cứu và sản xuất huyết thanh dại thì đều nên tiêm ngừa. Ở những đối tượng này, sự miễn dịch cần được duy trì bằng những liều nhắc lại và thực hiện test huyết thanh chẩn đoán sau mỗi 6 tháng.
- Bác sĩ thú y, người trông giữ và chăm sóc thú
- Thợ săn, nhân viên kiểm lâm
- Người làm ở lò mổ, thường xuyên tương tác với súc vật.
- Người nghiên cứu về hang động.
- Người làm nghề nhồi bông thú.
- Người đi du lịch hoặc di chuyển đến vùng có dịch bệnh Dại ở súc vật.
Dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (tiêm dự phòng sau phơi nhiễm):
Ngay khi có nghi ngờ hoặc xác định phơi nhiễm cần tiến hành tiêm vắc-xin bệnh dại ngay lập tức, dù là nguy cơ thấp nhất để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh. Việc tiêm vắc-xin bệnh dại phải được thực hiện tại Trung tâm chuyên về Dại hoặc Trung tâm Y tế thực hiện tiêm vắc-xin với sự giám sát về y khoa nghiêm ngặt. Việc điều trị phải phù hợp với loại tiếp xúc hay vết thương, tình trạng con vật và lịch sử tiêm phòng dại của bệnh nhân.
Liều dùng, cách dùng
Đường dùng, liều dùng
- Tiêm bắp: với liều 0.5ml vắc-xin đã hoàn nguyên, thường tiêm ở mặt trước – bên đùi đối với trẻ em và tiêm ở vùng cơ Delta ở cánh tay đối với người lớn. Không tiêm ở vùng mông.
- Tiêm trong da: với liều 0.1ml vắc-xin đã hoàn nguyên (bằng 1/5 liều tiêm bắp), tiêm ở cánh tay hay cẳng tay.
Lịch tiêm chủng phải áp dụng tùy theo tình trạng tiêm ngừa và miễn dịch đối với bệnh dại và miễn dịch của bệnh nhân.
Tiêm dự phòng (tiêm trước phơi nhiễm):
- Tiêm ngừa liều cơ bản: tiêm 3 liều vắc-xin Verorab (0.5ml/liều) vào các ngày 0, 7 và 28 qua hình thức tiêm bắp.
- Tiêm nhắc lại: sau 1 năm. Sau đó cứ 5 năm tiêm lại một lần.
Tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại (đã xác định phơi nhiễm):
Ví dụ người bệnh cần có ý thức tiêm phòng bệnh dại khi bị chó cắn (hoặc các loài động vật khác có nguy cơ) ngay lập tức. Phải sơ cứu và rửa sạch vết thương tối thiểu 15 phút với thật nhiều nước và xà phòng. Sau đó liên tục rửa lại thật kỹ bằng nước sạch. Tiếp tục rửa vết thương bằng dung dịch iod povidone.
Tác dụng phụ
Cũng như khi sử dụng các loại vắc-xin khác, quá trình tiêm vắc-xin Verorab vẫn có thể gặp phải một số phản ứng phụ như sau:
Tác dụng phụ
- Phản ứng tại chỗ tiêm: sưng, đau, đỏ da.
- Phản ứng toàn thân: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, có thể sốt, run rẩy, ngất. Có thể đau nhức xương khớp, đau cơ. Rối loạn dạ dày, ruột (cảm giác buồn nôn, đau bụng).
- Trường hợp sốc phản vệ hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra.
Đối tượng cần lưu ý
- Người bị dị ứng với neomycin. Không tiêm cùng vị trí hay chung bơm tiêm vắc-xin và immunoglobulin.
- Không tiêm vắc-xin vào trong lòng mạch máu.
- Phụ nữ có thai và cho con bú: nếu tiêm dự phòng trước phơi nhiễm thì nên trì hoãn lịch tiêm. Còn nếu tiêm sau phơi nhiễm với mục đích dự phòng thì đối tượng này không thuộc chống chỉ định vì bệnh dại có tiến triển nguy hiểm.
- Cẩn trọng với những người bị giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) hay rối loạn đông máu.