Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, … trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 – 15%.
Trong cộng đồng tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5% – 25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.
Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, …), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông – xuân.
Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Tác nhân gây bệnh: Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit của vi khuẩn, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.
Vi khuẩn có sức đề kháng yếu: bên ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, bị diệt ở 56°C trong 30 phút hoặc ở 60°C trong 10 phút. Vi khuẩn dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn, tẩy rửa thông thường.
Nguồn bệnh, thời gian ủ bệnh và thời kỳ lây truyền: Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Thời gian ủ bệnh từ 2 – 10 ngày, thông thường từ 3 – 4 ngày.
Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Đường lây truyền: Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu và tính cảm nhiễm giảm dần theo tuổi. Sau khi nhiễm vi khuẩn, kể cả các trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, cơ thể vẫn sinh miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết rõ thời gian miễn dịch đặc hiệu sau khi nhiễm khuẩn.
Viêm não mô cầu có thể để lại di chứng nghiêm trọng: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh viêm não mô cầu có các triệu chứng xuất hiện đột ngột. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng điển hình là sốt cao, cứng cổ, đau đầu, nôn mửa, biếng ăn và bỏ ăn. Ngoài ra, ở trẻ nhỏ có biểu hiện thóp phồng hoặc phản xạ bất thường và biểu hiện cứng gáy rõ hơn.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực nội sọ, phù não gây tử vong, hay áp xe não khiến tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn bộ cơ thể gây nhiễm trùng huyết và tử vong. Những trường hợp may mắn sống sót có thể phải chịu di chứng nghiêm trọng như phù não, tổn thương thần kinh trung ương, cắt bỏ các chi, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.
Các biện pháp phòng bệnh: Cần tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, nơi có ổ dịch cũ về bệnh do não mô cầu và các biện pháp phòng chống:
– Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
– Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
– Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
– Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
– Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để thực hiện các biện pháp giám sát và phòng dịch.
Vắc xin phòng bệnh: Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh do não mô cầu nhóm huyết thanh A, B, C, Y, W-135. Gồm các Vaccine:
– Mengoc BC (Vaccine viêm não mô cầu BC của Cu Ba): Cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn tới 45 tuổi, dùng 02 liều cách nhau từ 1.5-2tháng.
– Menactra (Vaccine viêm não mô cầu AC YW 135 của Mỹ): Cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn đến 55 tuổi. Trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng tuổi dung 02 liều cách nhau 3 tháng; Trẻ từ tròn 24 tháng và người lớn đến 55 tuổi dùng 01 liều duy nhất.
– Meningo (Vaccine viêm não mô cầu AC của Pháp): Cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn, dùng 01 liều và tiêm nhắc mỗi 3 năm/lần.
Với mức độ nguy hiểm và di chứng nghiêm trọng, bệnh viêm não mô cầu không chỉ là mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng mà còn là nỗi lo lớn của các bậc phụ huynh có con nhỏ. Để bảo vệ và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng vác xin phòng bệnh do não mô cầu đầy đủ và đúng lịch.
Bài viết tham khảo tài liệu Bộ Y tế