Để đảm bảo an toàn khi tiêm phòng cho trẻ, cha mẹ cần tìm hiểu và chuẩn bị kỹ các tình huống sau đây.
Trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần:
– Cha mẹ và trẻ phải thực hiện tốt THÔNG ĐIỆP 5K của Bộ Y tế để phòng chống dịch Covid-19.
– Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ nhằm hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
– Trao đổi rõ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ: tiền sử mắc bệnh, suy dinh dưỡng (nếu có) để xem xét và quyết định có nên tiêm chủng cho trẻ hay không.
– Mang theo sổ hoặc phiếu tiêm chủng để bác sĩ tham vấn và đảm bảo thực hiện đúng lịch tiêm vacxin cho trẻ.
– Ghi chú về các loại thuốc trẻ đang sử dụng, các loại vacxin hoặc thức ăn mà trẻ đã từng bị dị ứng trước đó.
Một số trường hợp chống chỉ định tiêm phòng cho trẻ:
– Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan…
– Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng.
– Trẻ suy giảm miễn dịch chống chỉ định tiêm chủng các loại vacxin sống.
– Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vacxin.
Tạm hoãn trong tiêm chủng:
– Đo nhiệt độ tại nách, thân nhiệt trên 37.5 độ C hoặc dưới 35.5 độ C.
– Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp.
– Trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid liều cao trong vòng 14 ngày.
– Trẻ mới dùng các sản phẩm Globulin miễn dịch.
– Trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2kg.
– Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vacxin.
Cách chăm sóc và theo dõi trẻ nhỏ sau tiêm chủng:
Tại phòng khám:
– Sau tiêm chủng, cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại khu vực chờ sau tiêm để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.
– Thông báo ngay với bác sĩ/điều dưỡng khi thấy trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau:
+ Quấy khóc liên tục
+ Phát ban đỏ, sưng
+ Khó thở, tím tái
+ Sưng tại vị trí tiêm.
Tại nhà:
– Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ phải tiếp tục quan sát trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng:
+ Tình trạng chung, tinh thần, tình trạng ăn ngủ
+ Nhiệt độ, phát ban, khó thở
+ Các biểu hiện tại chỗ tiêm: sưng, đỏ.
– Cách chăm sóc trẻ và xử trí các phản ứng phụ thường gặp tại nhà:
+ Bổ sung thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức, uống nhiều nước.
+ Đảm bảo rằng trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ.
+ Sốt nhẹ: dùng thuốc hạ sốt khi trẻ thấy khó chịu hay khi sốt cao > 38,5 độ.
+ Sưng đỏ, đau chỗ tiêm: có thể chườm mát tại chổ, dùng hạ sốt giảm đau nếu cần.
+ Ngoài ra có thể có biểu hiện sưng khớp, sưng hạch…nhưng đa phần là tự khỏi sau vài ngày.
– Đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ có một trong những triệu chứng sau:
+ Khó thở kèm với phát ban hoặc sưng
+ Kiệt sức, nhợt nhạt, xanh xao, buồn ngủ hoặc bất tỉnh
+ Khóc liên tục hơn 3 giờ đồng hồ
+ Sốt, nôn mửa và tiêu chảy trong vòng vài giờ sau khi tiêm
+ Co giật
+ Sưng đỏ và đau lan rộng tại chỗ tiêm hơn 3 ngày
+ Bầm tím hoặc chảy máu nhiều tại chỗ tiêm.