- Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Dấu hiệu và triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến nặng, thường bắt đầu khoảng hai đến năm ngày sau khi phơi nhiễm. Các triệu chứng thường xuất hiện từ từ, bắt đầu bằng đau họng và sốt. Trong trường hợp nặng, một mảng màu xám hoặc trắng phát triển trong cổ họng. Mảng này có thể làm nghẹt đường thở và gây nên ho khan giống bệnh yết hầu. Cổ có thể bị sưng một phần do các hạch bạch huyết phình lên. Một thể của bệnh bạch hầu gây ảnh hưởng đến da, mắt và bộ phận sinh dục cũng từng được ghi nhận. Các biến chứng có thể bao gồm viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, những vấn đề ở thận, và xuất huyết do lượng tiểu cầu thấp. Viêm cơ tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim và viêm dây thần kinh có thể gây liệt.
Bạch hầu thường lây truyền giữa người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc không khí. Nó cũng có thể lây truyền qua các vật mang mầm bệnh. Một số người mang vi khuẩn nhưng không có triệu chứng, vẫn có thể truyền bệnh sang người khác. Ba týp chính của C. diphtheriae gây ra các mức độ nghiêm trọng của bệnh khác nhau. Những triệu chứng là do một độc tố do vi khuẩn sản sinh ra. Chẩn đoán thường có thể được thực hiện dựa vào thăm khám cổ họng kèm theo xác nhận có được từ nuôi cấy vi sinh. Việc đã từng nhiễm bệnh trước kia có thể không thể bảo vệ chống lại việc tái nhiễm trong tương lai.
Vắc-xin bạch hầu có hiệu quả trong việc phòng ngừa và có thể được tích hợp chung trong một số công thức vắc-xin. Ba hoặc bốn liều, được tiêm cùng với vắc-xin uốn ván và vắc-xin ho gà, được khuyến nghị tiêm cho trẻ em. Nên tiêm thêm các liều vắc-xin ho gà-uốn ván mỗi mười năm một lần. Khả năng phòng bệnh có thể được xác định bằng cách đo nồng độ của kháng độc tố trong máu. Bạch hầu có thể được chữa bằng kháng sinh erythromycin hoặc benzylpenicillin. Phẫu thuật mở khí quản đôi khi là cần thiết để mở đường thở trong các trường hợp nghiêm trọng.
Vào năm 2015, trên toàn thế giới đã có 4,500 ca được ghi nhận, giảm so với gần 100,000 trường hợp trong năm 1980. Vào trước thập niên 1980, số ca bệnh trong một năm được tin rằng là vào khoảng một triệu. Bệnh bạch hầu hiện nay thường xảy ra ở Châu Phi Hạ Sahara, Ấn Độ, và Indonesia. Vào năm 2015, nó làm thiệt mạng 2,100 người, giảm so với 8,000 ca tử vong trong năm 1990. Ở những khu vực mà bệnh còn phổ biến, hầu hết trẻ em đều nhiễm bệnh. Bệnh hiếm xảy ra ở những nước phát triển do việc tiêm phòng đã được phổ cập nhưng vẫn có thể tái xuất hiện nếu tỉ lệ tiêm phòng giảm. Ở Hoa Kỳ, có 57 trường hợp đã được báo cáo từ năm 1980 đến 2004. Tử vong chiếm từ 5% đến 10% trong số các ca bệnh đã được chẩn đoán. Bệnh được Hippocrates lần đầu tiên mô tả vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Vi khuẩn được xác định vào năm 1882 bởi Edwin Klebs.
Ở Việt nam, theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu trong năm 1983: ở miền Bắc là 0,695%, miền Trung là 0,174%, miền Nam là 0, 489%.
- Dấu hiệu và triệu chứng:
Khởi phát triệu chứng của bệnh bạch hầu rất giống với những triệu chứng bệnh cảm – viêm mũi, họng thông thường: sốt – đau họng – ho – sổ mũi …
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện sau khoảng từ 2 – 5 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh và vùng dịch tễ bệnh bạch hầu lưu hành. Các triệu chứng điển hình của bạch hầu – Họng gồm:
– Có màng nhầy màu xám bao phủ vùng họng và amidan.
– Đau họng và khản tiếng.
– Sưng các hạch vùng cổ.
– Khó thở hoặc thở gấp – thở nhanh nông
– Sổ mũi
– Sốt kèm ớn lạnh.
– Toàn thân đau nhức và mệt mỏi.
Trong vài trường hợp, nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thể chỉ gây bệnh nhẹ – hoặc không có các dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng.
Người nhiễm bệnh không có triệu chứng, không được phát hiện được coi như là người mang mầm bệnh, họ có thể truyền bệnh cho người khác mà bản thân họ không biết mình chính là người mang bệnh bạch hầu.
Bạch hầu da ít gặp hơn
Một loại thứ hai của bệnh bạch hầu là bệnh bạch hầu có thể gây tổn thương trên da, gây sưng nề, đỏ và đau. Các ổ loét trên da có màng nhầy màu xám che phủ có thể gặp trong các trường hợp Bạch hầu da.
Mặc dù bệnh thường gặp phổ biến ở các vùng nhiệt đới, bệnh bạch hầu da cũng gặp ở Mỹ và châu Âu đặc biệt ở những vùng người sinh hoạt kém vệ sinh, sống trong môi trường đông đúc, chật hẹp.
Các triệu chứng cũng có thể bao gồm rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, liệt dây thần kinh sọ và ngoại biên.
- Lây truyền:
Bệnh bạch hầu gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae. Thông thường vi khuẩn bạch hầu sinh sôi trên hoặc gần bề mặt niêm mạc họng, vi khuẩn lây lan từ người sang người theo các con đường chính sau đây:
– Nguyên nhân trực tiếp từ giọt bắn lơ lửng trong không khí từ bệnh nhân bị nhiễm bệnh bạch hầu ho, hắt xì sẽ tạo ra một màn hơi chứa các giọt nước bị nhiễm vi khuẩn, mọi người xung quanh có thể hít phải vi khuẩn. Bệnh bạch hầu lan rộng chủ yếu qua con đường này, đặc biệt là trong các đám đông người, như phòng khám – bệnh viện, trường học, nhà trẻ …
– Lây nhiễm gián tiếp từ những vật dụng cá nhân bị nhiễm khuẩn: Mọi người đôi khi bị nhiễm vi khuẩn khi dùng chung khăn của người bị bệnh bạch hầu , hoặc uống chung ly nước chưa được rửa của người bị bệnh bạch hầu , hoặc tiếp xúc với những đồ vật có dính những chất tiết của bệnh nhân bị bệnh bạch hầu .
– Lây nhiễm từ các vật dụng trong gia đình bị nhiễm khuẩn : Hiếm gặp, nhưng cũng có thế lây nhiễm trên những vật dụng trong gia đình như khăn tắm, hoặc đồ chơi của trẻ em.
– Bạn cũng có thể lây nhiễm khi bạn tiếp xúc với những vết thương bị nhiễm khuẩn bạch hầu.
– Bệnh nhân bị bệnh bạch hầu và những người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu đã điều trị có khả năng truyền bệnh cho những người khác, người chưa được chủng ngừa đối với bạch hầu trong thời gian 6 tuần sau đó, cho dù họ không còn biểu hiện một triệu chứng nào của bệnh.
Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy động vật cũng có khả năng lây bệnh bạch hầu, nhưng chưa được khẳng định. Corynebacterium ulcerans được phát hiện trên một số động vật, do đó có khả năng lây truyền từ động vật.
Những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh bao gồm:
– Trẻ em và người lớn không được chủng ngừa và chủng ngừa bạch hầu không đầy đủ.
– Những người sống trong khu vực đông đúc và mất vệ sinh.
– Bất kỳ người nào nếu đi du lịch tới những vùng nơi đang có dịch bệnh bạch hầu xảy ra.
Bệnh bạch hầu hiếm khi gặp ở Mỹ và Châu âu là những quốc gia mà việc chủng ngừa cho trẻ em đã và đang được thực hiện trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu vẫn rất phổ biến ở các nước đang phát triển nơi mà tỷ lệ dân được chủng ngừa rất thấp.
Trong những vùng, nơi mà việc chủng ngừa là tiêu chuẩn, bệnh chủ yếu là mối đe dọa cho những cá thể không được chủng ngừa, hoặc chủng ngừa không đầy đủ, hoặc ở những người đi du lịch tới nhiều quốc gia hoặc có tiếp xúc với người đến từ các quốc gia kém phát triển không được chủng ngừa bạch hầu đầy đủ.
- Xét nghiệm:
– Bác sĩ nên nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh bạch hầu khi khám cho các trẻ nhỏ bị đau họng có giả mạc xám bao phủ vùng họng và amidan.
– Lấy bệnh phẩm từ màng giả này để nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bệnh giúp chẩn đoán xác định.
– Bác sĩ cần ghi lưu ý trên bệnh phẩm cho phòng xét nghiệm rằng, bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân nghi ngờ có nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
– Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô từ vết thương bị nhiễm, như ở da và làm xét nghiệm trong phòng xét nghiệm để kiểm tra loại vi khuẩn bạch hầu gây bệnh trên da (cutaneous diphtheria).
- Chẩn đoán:
Định nghĩa ca lâm sàng hiện tại của bệnh bạch hầu được dùng ở Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ) dựa trên cả tiêu chí phòng thí nghiệm lẫn lâm sàng.
Tiêu chí phòng thí nghiệm
– Phân lập C. diphtheriae từ phương pháp nhuộm Gram hoặc cấy trùng cổ họng từ một mẫu bệnh phẩm,
– Chẩn đoán mô bệnh học của bạch hầu bằng phương pháp nhuộm Albert
Phát hiện độc tố
– Xét nghiệm in vivo (tiêm cho chuột lang nhà): xét nghiệm tiêm dưới da và nội sọ
– Xét nghiệm in vitro: xét nghiệm kết tủa gel của Elek, phát hiện gen độc tố PCR, ELISA, ICA
Tiêu chí lâm sàng
– Bệnh đường hô hấp trên với viêm họng
– Sốt nhẹ (hiếm khi trên 39 °C (102 °F))
– Một giả mạc dính, dày, màu xám bao quanh yết hầu: trong những trường hợp nặng, nó có thể bịt kén cả đường hô hấp.
Phân loại ca bệnh
– Có khả năng: một trường hợp có dấu hiệu lâm sàng nhưng không được xác định bằng xét nghiệm và không có mối liện hệ dịch tễ với một ca bệnh đã được xác định bằng xét nghiệm
– Chắc chắn: một trường hợp có dấu hiệu lâm sàng và được xác định bằng xét nghiệm hoặc có liên quan dịch tễ với một ca đã được xác định bằng xét nghiệm
- Các biến chứng của bạch hầu:
Biến chứng về hô hấp:
Bệnh bạch hầu gây ra bởi độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra. Độc tố này phá hủy mô ngay tại vùng bị nhiễm vi khuẩn – thường là mũi và họng. Tại những vị trí này, độc tố tạo nên một màng màu xám, dai, dính chặt khó bóc tách và dễ chảy máu. Màng này chứa các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác…có thể gây cản trở bít tắc đường hô hấp, gây nghẹt thở, suy hô hấp và tử vong.
Tổn thương tim:
Độc tố bạch hầu có thể lan rộng theo đường máu và phá hủy các mô khác trong cơ thể, đặc biệt là cơ tim, gây các biến chứng như: Viêm cơ tim (Myocarditis). Tổn thương tim do viêm cơ tim có thể ở mức độ nhẹ, được phát hiện bất thường trên điện tâm đồ, hoặc nặng hơn, đưa đến suy tim ứ huyết và đột tử.
Tổn thương thần kinh:
Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh, chủ yếu là thần kinh tại vùng họng, gây tình trạng suy yếu, liệt thần kinh và có thể gây khó thở, khó nuốt.
Thần kinh cánh tay và thần kinh chân cũng có thể bị viêm gây yếu cơ, liệt cơ, cử động đi lại khó khăn.
Nếu độc tố bạch hầu phá hủy thần kinh điều khiển các cơ hỗ trợ hô hấp, những cơ hô hấp này bị liệt, đưa đến khó thở và cần phải giúp thở bằng máy thở hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác.
Khi được điều trị tích cực và kịp thời thì hầu hết bệnh nhân bị bệnh bạch hầu có thể hồi phục, nhưng thường rất chậm. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bệnh bạch hầu hiện nay là 3% – 5%.
- Điều trị và thuốc điều trị:
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc nguy hiểm. Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh bạch hầu, nên quyết định cho phương án điều trị ngay lập tức, ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm, hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nơi có đủ điều kiện điều trị bạch hầu. Các thuốc:
– Kháng độc tố (Antitoxin): nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh bạch hầu, trẻ em hay người lớn đều phải được cho dùng kháng độc tố bạch hầu. Kháng độc tố bach hầu được chích vào tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, để trung hòa độc tố của vi khuẩn đang lưu hành trong cơ thể.
Trước khi cho kháng độc tố bạch hầu, bác sĩ cần làm Test dị ứng trên da để bảo đảm bệnh nhân không bị dị ứng với antitoxin.
Người bị dị ứng với kháng độc tố, trước hết phải được giải mẫn cảm với kháng độc tố bạch hầu.
– Kháng sinh: Bệnh bạch hầu được điều trị bằng kháng sinh, như Penicillin hay Erythromycin. Kháng sinh giúp diệt vi khuẩn trong cơ thể, làm sạch những ổ nhiễm trùng. Trẻ em và người lớn bị mắc bệnh bạch hầu thường cần nhập viện điều trị. Họ cần được cách ly nghiêm ngặt trong khoa săn sóc tập trung (ICU – Intensive Care Unit) vì vi khuẩn bạch hầu có thể lây lan dễ dàng cho bất kỳ người nào không được chủng ngừa bạch hầu.
Bác sĩ có thể gỡ bỏ giả mạc trong họng bệnh nhân nếu giả mạc gây khó thở.
Trong những trường hợp mà tiến triển của bệnh vượt khỏi phạm vi nhiễm trùng ở họng, thì độc tố bạch hầu theo máu phát tán và có thể dẫn đến các biến chứng có khả năng đe dọa đến tính mạng như ảnh hưởng đến các cơ quan, chẳng hạn như tim và thận. Tổn thương tim do độc tố gây nên có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hoặc chức năng lọc của thận. Nó cũng có thể gây nên tổn thương thần kinh dẫn đến liệt. Khoảng 40% đến 50% những người không được điều trị có thể chết. Do vậy cần phải điều trị hồi sức tích cực.
Hồi phục từ bệnh bạch hầu cần rất nhiều thời gian nghỉ ngơi. Tránh những gắng sức về thể lực là đặc biệt quan trọng nếu tim đã bị ảnh hưởng biến chứng do bạch hầu. Bạn có thể cần nghỉ ngơi tại giường vài tuần hoặc cho đến khi đã hồi phục hoàn toàn.
- Phòng ngừa:
Trước khi có thuốc kháng sinh, bệnh bạch hầu là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, gây tử vong với tỷ lệ cao. Ngày nay, bệnh không chỉ có thể điều trị được mà còn có thể phòng ngừa được bằng vaccine.
Vaccine ngừa Bạch hầu thường được kết hợp với vaccine ngừa Uốn ván và Ho gà (Tetanus và Pertusis). Vaccine 3 trong 1 (three-in-one vaccine) được biết là Vaccine ngừa Bạch hầu, Uốn ván và Ho gà.
Dòng vaccine mới nhất loại này được biết là vaccine DTaP cho trẻ em và vaccine Tdap cho trẻ vị thành niên và người lớn.
Vaccine Bạch hầu, Uốn ván và Ho gà là một trong những vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng được khuyến cáo chủng ngừa cho trẻ em.
Chủng ngừa bao gồm một chuỗi 5 mũi chích, chích ở bắp tay hoặc đùi, cho các trẻ em độ tuổi sau:
– 2 tháng tuổi.
– 4 tháng tuối
– 6 tháng tuổi
– 12 đến 18 tháng tuổi.
– 4 đến 6 tuổi.
Vaccine Bạch hầu có tác dụng phòng ngừa bệnh bạch hầu. Nhưng cũng có vài tác dụng phụ. Một vài trẻ nhỏ có thể bị sốt nhẹ, cáu gắt khó chịu, ngủ gà hoặc nhạy cảm tại chỗ chích sau khi chích vaccine DTaP.
Hiếm khi chủng ngừa vaccine DTaP gây những biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em, những phản ứng dị ứng phát ban hay nổi những sần đỏ trong vòng vài phút sau khi chích, chóng mặt hay shock – những biến chứng này có thể điều trị được.
Một số trẻ em , như trẻ có tiền sử động kinh hoặc những bệnh hệ thần kinh khác – có thể không nên chủng ngừa vaccine DTaP.
Sau một loạt mũi chích ngừa trong thời kỳ trẻ nhỏ, bạn nên cần chích củng cố vaccine Bạch hầu để giúp bạn duy trì khả năng miễn dịch hiệu quả. Vì khả năng miễn nhiễm bệnh do chủng ngừa sẽ giảm dần theo thời gian.
Trẻ em cần chích thêm mũi vaccine củng cố vào khoảng tuổi 12. Mũi chích ngừa củng cố tiếp theo được khuyến cáo là sau 10 năm tiếp theo, sau đó sẽ lặp lại với khoảng cách cứ mỗi 10 năm 1 lần.
Mũi chủng ngừa củng cố đặc biệt quan trong khi bạn đi du lịch qua những vùng dịch tễ lưu hành bạch hầu.
Mũi chủng ngừa Bạch hầu củng cố cũng được kết hợp với ngừa Uốn ván trong 1 vaccine – The Tetanus-Diphtheria (Td) vaccine. Vaccine phối hợp này đuọc chích ở cánh tay hoặc đùi.
Bác sĩ khuyến cáo rằng bất kỳ ai trên 7 tuổi mà chưa từng được chủng ngừa Bạch hầu nên chích 3 liều Td vaccine.
Cách ly nghiêm ngặt trong khi bạn bị nhiễm bệnh cũng rất quan trọng để ngăn ngừa lây lan bệnh dịch.
Mọi người trong gia đình bệnh nhân phải tuân thủ nguyên tắc rửa tay thường qui để tránh lây nhiễm bệnh.
Vì đau và khó nuốt nên bệnh nhân cần được nuôi dưỡng bằng dịch và thức ăn mềm trong lúc bệnh.
Một khi đã hồi phục, bệnh nhân cần được chủng ngừa bạch hầu để ngăn ngừa tái phát. Vì bị mắc bệnh bạch hầu một lần không có nghĩa là đảm bảo miễn nhiễm cả đời. bệnh nhân có thể bị tái nhiễm nếu không được tiêm chủng đầy đủ.
Điều trị phòng ngừa: Nếu bạn từng phải tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh bạch hầu , bạn nên đi khám bác sĩ để làm các xét nghiệm và điều trị nếu cần. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh cho bạn để ngăn ngừa bệnh. Bạn cũng có thể cần một liều vaccine ngừa bạch hầu để củng cố miễn dịch.
Bài viết có tham khảo tài liệu các chuyên gia