Bệnh Ho gà là gì?
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Sau cơn ho thì mặt đỏ môi tím, hai mí mắt sưng, tĩnh mạch cổ nổi.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay ở trẻ em, đặc biệt nặng ở trẻ em trong lứa tuổi 3 tháng khi trẻ chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Theo WHO, hàng năm trên thế giới có khoảng 30 -50 triệu người mắc ho gà, trong số đó có khoảng hơn 300 nghìn người tử vong , tỷ lệ này tăng cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ. Từ ngày có vaccine phòng bệnh đã giảm thiểu tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh gây ra.
Tác nhân gây bệnh:
Tác nhân gây bệnh là Bordetella pertussis thuộc giống Bordetella gây bệnh ở người.
Hình thái: Vi khuẩn ho gà là dạng trực khuẩn hai đầu nhỏ, thuộc loại vi khuẩn có kích thước nhỏ nhất, không di động, gram (-).
Vi khuẩn có sức đề kháng ngoài môi trường rất yếu. Thường sẽ bị chết trong 1 giờ dưới tác dụng của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc thuốc sát khuẩn thông thường
Nguồn truyền nhiễm và phương thức lây truyền:
Ổ chứa: Người là vật chủ duy nhất. Bở vậy, nguồn truyền bệnh là bệnh nhân, không có nguồn lây truyền ở người lành mang trùng hoặc ngươi bệnh trong thời kỳ lại sức.
Thời gian ủ bệnh: Thông thường từ 7 đến 20 ngày.
Thời kỳ lây truyền: Bệnh ho gà lây truyền mạnh nhất trong thời kỳ đầu viêm long, sau đó tính lây truyền giảm dần và sẽ mất đi sau 3 tuần mắc bệnh, mặc dù lúc này cơn ho vẫn còn dai dẳng.
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học.
Người lớn đã được tiêm chủng khi còn bé có thể bị ho gà lần nữa khi lớn lên do kháng thể chống ho gà thiếu hiệu lực vĩnh viễn và Vắc-xin chống ho gà cũng không có hiệu lực lâu dài. Tuy những người này có thể triệu chứng không nặng, họ vẫn lây truyền bệnh cho người thiếu miễn nhiễm chung quanh.
Các chuyên gia sức khỏe chỉ rõ ho gà là một căn bệnh truyền nhiễm và có thể dễ dàng lây lan nhanh chóng và trở thành dịch trong thời gian ngắn. Bệnh có thể lây qua con đường trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể:
– Trực tiếp: Khi người bệnh ho, khạc, nhổ đờm sẽ phát ra những giọt bắn li ti chứa virus Bordetella ho gà. Người khỏe mạnh nếu vô tình hít phải những giọt bắn này sẽ bị virus xâm nhập vào cơ thể. Virus khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ nhanh chóng lây lan và phát triển thành bệnh.
– Gián tiếp: Người khỏe mạnh khi sử dụng chung đồ dùng cá nhân như cốc nước, khăn mặt, bàn chải của người bị bệnh cũng có thể bị nhiễm virus ho gà và phát bệnh.
Lưu ý: Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vắc xin cơ bản và trẻ được sinh ra bởi các mẹ có kháng thể phòng bệnh kém là những trường hợp có khả năng lây nhiễm bệnh cao hơn trẻ khác.
Triệu chứng của bệnh ho gà:
Các triệu chứng của bệnh ho gà sẽ phát triển theo từng giai đoạn từ khi ủ bệnh tới khi khởi phát. Đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cha mẹ nên chú ý các biểu hiện bệnh của con để sớm phát hiện bệnh và điều trị.
Dấu hiệu ho gà ở trẻ em:
Bệnh xuất hiện ở trẻ nhỏ qua các giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn sẽ có triệu chứng ở mức độ khác nhau. Dưới đây là các triệu chứng ho gà ở trẻ em qua từng gia đoạn:
– Thời gian ủ bệnh: 6 – 10 ngày hầu như thời gian này người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng nào rõ ràng.
– Giai đoạn viêm long đường hô hấp: 1 – 2 tuần kế tiếp với một số triệu chứng điển hình như: Sốt nhẹ, ho húng hắng, hắt hơi, sổ mũi. Vào tuần cuối những đợt ho có thể nặng hơn, dài hơn.
– Giai đoạn khởi phát: 1 – 6 tuần, một số trường hợp có thể kéo dài trên 10 tuần với các triệu chứng: Ho thành từng cơn, mỗi cơn ho thường có 15 – 20 tiếng ho liên tiếp và giảm bớt dần. Ho gà ở trẻ em có đặc điểm là ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn ói. Sau cơn ho trẻ thấy mặt đỏ rực, tím tái, xuất hiện nước mắt nước mũi chảy liên tục, cổ nổi tĩnh mạch là những biểu hiện cha mẹ dễ nhận ra nhất ở giai đoạn này. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thường có những biểu hiện bệnh nặng hơn. Với trẻ nhũ nhi < 3 tháng tuổi, thường không có cơn ho, thay vào đó ho thường kèm với ngưng thở hoặc ngưng thở tím tái xảy ra mà trẻ không có ho. Các biểu hiện của viêm phổi, xuất huyết dưới kết mạc hay vùng quanh hốc mắt. Đặc biệt trẻ có thể có rối loạn tri giác hoặc co giật: khi nghi ngờ có biến chứng não do vi khuẩn ho gà. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh trở nặng rất dễ dẫn đến tử vong do bị bội nhiễm, biến chứng viêm phổi, viêm phế quản -phổi. Bệnh thường gặp nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
– Giai đoạn phục hồi: Những cơn ho sẽ giảm dần, thân nhiệt hạ. Sau nhiều tháng lại tái phát và nặng hơn lần đầu có thể dẫn tới viêm phổi.
*Chú ý: Trong 14 ngày đầu khởi phát bệnh mỗi ngày sẽ xuất hiện khoảng 15 cơn ho, sau đó giảm dần. Sau mỗi cơn ho người bệnh sẽ kèm theo chứng mệt, khó thở, buồn nôn và nôn. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ chuyển sang thể nặng, cơn ho sẽ kéo dài hơn, thời gian lâu hơn. Một số trẻ sơ sinh sẽ không bị ho trong thời gian bệnh khởi phát. Thay vào đó trẻ sẽ bị khó thở, phải gồng mình để thở thậm chí có thể bị ngừng thở tạm thời.
Triệu chứng ho gà ở người lớn:
Người lớn cũng là đối tượng có thể bị ho gà với các triệu chứng xuất hiện theo các giai đoạn như trẻ nhỏ. Tuy nhiên mức độ bệnh ở người lớn nhẹ hơn trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Một số biểu hiện điển hình như:
– Ho liên tục, dai dẳng và kéo dài kèm theo thở rít hoặc khó thở.
– Sau khi nôn cảm thấy buồn nôn
– Người bệnh mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, có thể kiệt sức khi ho.
Biến chứng nguy hiểm:
Viêm phổi : Là biến chứng thường gặp nhất, chiếm 20%, thường xảy ra vào tuần thứ 2, thứ 3 của giai đoạn ho cơn. Tác nhân có thể do chính bản thân B. pertussis nhưng thường gặp nhất là do vi khuẩn thứ phát xâm nhập vào.
Xẹp phổi: Chiếm tỷ lệ 5%. Nguyên nhân do các nút nhầy làm bít tắc các phế quản nhỏ.
Trong giai đoạn kịch phát, do cơn ho quá dữ dội dễ làm vỡ các phế nang gây ra tình trạng tràn khí mô kẻ hoặc tràn khí dưới da.
Biến chứng thần kinh
– Co giật thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh.
– Liệt nữa người, liệt chi và mất ngôn ngữ là do xuất huyết hoặc xung huyết não.
– Tetanie xuất hiện khi trẻ nôn mữa nhiều
– Bệnh não cấp còn gọi là chứng kinh giật ho gà. Ngoài ra, bệnh ho gà có thể gây biến chứng như loét hãm lưỡi, vỡ cơ hoành, thoát vị rốn, bẹn, sa trực tràng, tụ máu dưới kết mạc, bầm tím dưới mí mắt, và nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh ho gà:
Các biểu hiện lâm sàng của ho gà gần giống với những bệnh lý hô hấp khác. Vì thế trước khi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, các bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành một số xét nghiệm:
– Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm với mục đích kiểm tra lượng bạch cầu trong máu đang ở mức độ nào. Bạn sẽ bị nghi ngờ nhiễm khuẩn nếu số lượng bạch cao trong máu cao (> 10g/L). Kết hợp thêm một số triệu chứng lâm sàng khác các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận bạn có bị mắc ho gà không.
– Xét nghiệm dịch: Lấy dịch ở mũi và họng sau đó phết lam kính và nhuộm soi trên kính hiển vi quang học. Bác sĩ sẽ quan sát được có sự xuất hiện hình ảnh trực khuẩn 2 đầu nhỏ, gram âm hay không.
Phương pháp chẩn đoán dựa vào kết quả cấy vi trùng, xét nghiệm PCR nước dãi hút lấy từ sau mũi họng. Vì vi trùng ho gà chỉ có trong cơ thể trong 3 tuần đầu tiên của bệnh, xét nghiệm cấy và PCR sau thời gian này không có ích trong chẩn đoán. Trong trường hợp người trưởng thành bị ho lâu ngày không khỏi, xét nghiệm máu có thể cho thông tin về kháng thể chống ho gà.
– Chụp X-quang: Trường hợp nghi ngờ phổi bị tổn thương, bác sĩ sẽ đề nghị chụp X – quang để đánh giá mức độ viêm và lượng dịch xuất hiện trong phổi.
Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể tiến hành chẩn đoán để phân biệt bệnh ho gà với một số bệnh lý tương tự khác:
– Bệnh phó ho gà: Bệnh do cơ thể bị nhiễm vi khuẩn Bordetella parapertussis. Bệnh có biểu hiện bên ngoài khá giống với ho gà nhưng ít xuất hiện và nếu bị cũng nhẹ hơn.
– Viêm amidan mãn tính: Có thể xuất hiện những cơn ho liên tục và kéo dài, nghẹ trọng cổ gây khó thở khi ngủ.
– Viêm VA mãn tính: VA là cơ quan miễn dịch nằm ở vòm mũi họng, khi bị viêm có thể bị phù đại, dẫn tới chảy nước mũi, khó thở.
Điều trị:
Phát hiện bệnh sớm, chủ động thăm khám ngay sau khi có triệu chứng chính là nguyên tắc điều trị bệnh ho gà, đồng thời cũng giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.
Bệnh nhân trưởng thành thường chỉ đến khám bệnh khi ho nhiều tuần lễ không khỏi. Ở trẻ em, cha mẹ lo ngại vì trẻ ho lâu, khó thở hoặc sụt ký. Một số trẻ ho liên tục đến độ mệt xỉu, thiếu dinh dưỡng, thiếu nước, cần chăm sóc trong bệnh viện.
Đối với trẻ được chẩn đoán ho gà nhẹ có thể điều trị cách ly tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế khu vực. Cần hướng dẫn gia đình trẻ tái khám khi có các dấu hiệu nặng như số lượng cơn ho nhiều hơn, cơn ho dài với các xuất hiện suy hô hấp… Đối với những trường hợp ho gà nặng cần nhập viện để có điều trị sớm cho trẻ. Các điều trị bao gồm điều trị suy hô hấp (nếu có), kháng sinh điều trị đặc hiệu, điều trị biến chứng, các chăm sóc và điều trị hỗ trợ khác(thí dụ: erythromycin, azithromycin, co-trimoxazole) 3-4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Vì sử dụng quá trễ, thuốc có thể làm giảm khả năng lây bệnh sang người khác nhưng có lẽ không thay đổi mấy thời gian bị bệnh. Những người ở gần người bị ho gà (thí dụ: sống chung gia đình, làm việc chung văn phòng v.v…) nếu kịp uống thuốc kháng sinh phòng ngừa trong một hai tuần khi mới nhiễm bệnh có thể tránh được các triệu chứng nặng của ho gà.
Các biện pháp phòng chống dịch:
Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe:
Cần cung cấp các thông tin cần thiết về bệnh ho gà cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để cộng tác với cán bộ y tế phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh.
Vệ sinh phòng bệnh:
– Nhà ở, nhà trẻ, lớp học, vườn trẻ… phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
– Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình, nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.
Tiêm chủng:
Tiêm phòng đầy đủ 03 mũi vắc xin phối hợp như Hexaxim, infarix Hexa (vắcxin 6 trong 1 gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, hemophilus influenza tuýp B) hoặc vắcxin Pentaxim (vắcxin 5 trong 1 gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, hemophilus influenza typ B) để tiêm phòng cho con là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lúc trẻ được 2 tháng tuổi là thời điểm kháng thể phòng bệnh ho gà mẹ truyền cho con bắt đầu hết. Khi đó, việc tiêm phòng cho trẻ vào thời điểm này là tốt nhất bởi nó giúp trẻ miễn dịch, không bị mắc bệnh, đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm bùng phát, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bài viết tham khảo tài liệu Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Quân đội 108.