Bệnh học

Bệnh thuỷ đậu

Bệnh thủy đậu là gì?

Thủy đậu là một dạng nhiễm virus cấp tính, do virus varicella zoster (VZV) gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm nhất. Người bệnh sẽ có những phát ban da gây ngứa với nhiều mụn nước nhỏ, chứa đầy dịch bên trong.

Triệu chứng thuỷ đậu:

Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh – được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh – là khoảng 2-3 tuần.

Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân.

Mụn nước có kích thước từ l – 3mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói.

Bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của cơn bệnh. Sốt nhẹ, nhức đầu và mệt mỏi là điều thông thường.

Bệnh thủy đậu và zona thần kinh (giời leo)

Nếu đã từng bị thủy đậu, bạn có nguy cơ gặp phải zona thần kinh (giời leo). Virus varicella-zoster vẫn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi các tổn thương trên da đã lành hết. Sau nhiều năm, chúng có thể tái kích hoạt và gây ra bệnh zona. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện một cụm mụn nước gây đau đớn, khó chịu dọc theo đường dây thần kinh, tồn tại trong thời gian năng. Khả năng tái hoạt này cao hơn ở người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.

Cơn đau do bệnh zona có thể kéo dài rất lâu, sau khi mụn nước đã hết hoàn toàn. Tình trạng này được gọi là đau thần kinh sau zona.

Bệnh lây lan như thế nào?

Bệnh rất truyền nhiễm và lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thuỷ đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm (ví dụ, khi một người bị nhiễm trái rạ hắt hơi nhảy mũi hoặc ho).

Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.

Bệnh phát triển trong vòng 10-21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

Biến chứng của thuỷ đậu:

Biến chứng của bệnh thủy đậu rất là nhiều, mặc dù đây là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn. Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất quan trọng.

Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.

Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông).

Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm sau, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh Zona, có người còn gọi là giời leo.

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi.

Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh…

Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Chẩn đoán bệnh thủy đậu:

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh lý này dựa trên dấu hiệu phát ban và mụn nước trên da, đồng thời hỏi thăm về các triệu chứng gặp phải ở người bệnh. Nếu có nghi ngờ, họ sẽ yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm như xét nghiệm máu hoặc nuôi cấy mẫu da.

Trong khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ cần phân biệt giữa thủy đậu với các bệnh lý khác có triệu chứng khá tương đồng như:

Đậu mùa: thường gây triệu chứng toàn thân nặng, mụn mọc dày, có mủ. Tuy nhiên, căn bệnh này đã chấm dứt từ năm 1980.

Chốc lở bọng nước (impertigo): thường gây ra do vi khuẩn Streptococcus beta hemotytic nhóm A. Các tổn thương ở da xảy ra ở trẻ sau khi da bị trầy xước, tổn thương do ghẻ, chàm… rồi bị nhiễm trùng dẫn đến việc tạo ra bọng nước.

Bọng nước do virus Herpes simplex: thường xảy ra trên vùng da có bệnh như chàm, viêm da dị ứng.

Bọng nước do Coxsackie nhóm A: có thể gây bọng nước toàn thân nhưng thường gây tổn thương da ở dạng phát ban hơn là bọng nước.

Điều trị

Ở các trẻ khỏe mạnh, căn bệnh này thường tự khỏi mà không cần điều trị y khoa. Bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc kháng histamin giúp giảm bớt ngứa ngáy, khó chịu.

Nếu bạn có nguy cơ cao gặp phải biến chứng thủy đậu, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để rút ngắn thời gian nhiễm trùng, giảm thiểu khả năng gặp biến chứng. Thuốc kháng virus có tên là acyclovir hay globulin miễn dịch dùng đường tiêm tĩnh mạch có thể được sử dụng để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh thủy đậu, dùng trong vòng 24 giờ sau khi triệu chứng phát ban đầu tiên xuất hiện.

Bác sĩ cũng khuyến cáo bạn nên đi tiêm phòng vắc-xin ngay khi nghi ngờ đã tiếp xúc với virus gây bệnh. Điều này có thể ngăn ngừa bệnh phát triển hoặc làm giảm các biến chứng có khả năng xảy ra.

Điều trị biến chứng bệnh thủy đậu:

Nếu nhận thấy có các biến chứng, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị thích hợp. Người bệnh có khi cần dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng da và viêm phổi. Viêm não (nếu xảy ra) thường được điều trị bằng thuốc kháng virus. Người bệnh khi có biến chứng cần nhập viện để điều trị.

Các phương pháp tự chăm sóc tại nhà:

Trường hợp không có biến chứng, bạn có thể thực hiện các cách sau để giảm nhẹ triệu chứng thủy đậu tại nhà:

Tránh gãi lên vùng da có tổn thương vì có thể để lại sẹo, làm chậm lành vết thương và tăng nguy cơ bị loét, tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng thêm.

Tắm bằng nước mát, có thể ngâm mình với bột baking soda, nhôm acetat, bột yến mạch thô để giảm bớt khó chịu.

Ăn các thực phẩm mềm, dễ nuốt, có vị nhạt nếu vết loét do thủy đậu xuất hiện ở trong miệng.

Sử dụng một số thuốc như thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa hay paracetamol khi bị sốt nhẹ. Tuy nhiên, hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Cách phòng thuỷ đậu

Vaccine chống thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:

– Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.

– Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.

– Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Tuy nhiên để đạt hiệu quả phòng ngừa trong công đồng cần tiêm chủng 02 liều cách nhau 6 tuần.

Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối.

Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.

Thời gian ủ bệnh của thuỷ đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thuỷ đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, trong vòng 3-5 ngày ta có thể tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu.

 

Các tin liên quan