Vắc-xin là gì?
Vắc-xin là chế phẩm thường được dùng cho trẻ nhỏ để bảo vệ khỏi những bệnh nguy hiểm, thường có khả năng gây tử vong. Thông qua việc kích thích sự tự vệ tự nhiên của cơ thể, vắc-xin tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh nhanh hơn và hiệu quả hơn
Cơ chế hoạt động của Vắc-xin như thế nào?
Vắc-xin giúp hệ miễn dịch của bạn tấn công các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho hệ miễn dịch ứng phó với một số bệnh cụ thể. Từ đó, nếu vi-rút hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể bạn sau này, hệ miễn dịch của bạn sẽ nhận diện được và biết cách chống lại.
Vắc-xin có an toàn không?
Vắc-xin rất an toàn. Nếu không tiêm hoặc dùng vắc-xin, con của bạn còn có thể bị tổn hại về sức khỏe hơn nhiều do một bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Tất cả vắc-xin đều được kiểm tra độ an toàn một cách nghiêm ngặt, bao gồm cả các thử nghiệm lâm sàng, trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi. Các quốc gia sẽ chỉ đăng ký và phân phối vắc-xin đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng và độ an toàn.
Tại sao tôi cần đưa con đi tiêm chủng?
Vắc-xin có thể cứu mạng sống của con người. Chỉ riêng vắc-xin sởi ước tính đã giúp ngăn chặn tử vọng cho hơn 21 triệu người từ năm 2000 đến 2017. Vắc-xin sẽ giúp bảo vệ con bạn khỏi các bệnh nguy hiểm hoặc nguy cơ bị tử vong, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch đang phát triển như trẻ sơ sinh. Bạn cần phải tiêm chủng cho con mình. Nếu không tiêm chủng thì những bệnh lây nhiễm cao như sởi, bạch hầu và bại liệt, những bệnh đã từng được xóa sổ tại nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại.
Liệu cơ thể của con tôi có tiếp nhận được tất cả các loại vắc-xin?
Có. Nhiều cha mẹ lo lắng rằng nhiều vắc-xin có thể làm quá tải hệ miễn dịch của trẻ. Nhưng trẻ em tiếp xúc với hàng trăm loại vi trùng hàng ngày. Thực tế là, bị cảm lạnh hay đau họng sẽ tạo áp lực lớn hơn đến hệ miễn dịch của con bạn hơn là tiêm chủng.
Nơi tôi ở không có những bệnh này. Tại sao tôi vẫn cần phải đưa con đi tiêm chủng?
Bạn vẫn cần phải tiêm chủng cho con. Mặc dù những bệnh này có thể đã được xóa sổ ở quốc gia hay khu vực bạn đang sinh sống, nhưng chúng ta đang sống ở một thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn, điều này nghĩa là dịch bệnh có thể lan từ nơi này sang nơi khác.
Miễn dịch cộng đồng là gì?
Nếu trong cộng đồng bạn sinh sống có đủ số người được tiêm chủng một bệnh nào đó, thì cộng đồng đó có thể đạt tới mức độ miễn dịch cộng đồng. Khi cộng đồng được miễn dịch, dịch bệnh không thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác vì phần lớn mọi người đã được miễn dịch. Miễn dịch cộng đồng tạo ra một tầng bảo vệ chống lại bệnh cho cả những người chưa được tiêm chủng, như trẻ sơ sinh.
Miễn dịch cộng đồng có thể phòng ngừa, ngăn chặn bùng phát và lây lan dịch bệnh. Bệnh ngày càng hiếm xảy ra và thậm chí có thể hoàn toàn biết mất không còn tồn tại trong cộng đồng.
Vắc-xin có thể khiến con của tôi bị ốm không?
Vắc-xin cực kỳ an toàn, những tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc-xin rất hiếm. Hầu hết các triệu chứng ốm mệt hay khó chịu sau khi tiêm vắc-xin rất nhẹ và tạm thời, ví dụ như hơi đau nhức ở nốt tiêm hoặc sốt nhẹ. Những triệu chứng này có thể được kiểm soát bằng việc dùng thuốc giảm đau do bác sỹ kê, hoặc đắp khăn lạnh lên nốt tiêm. Nếu cha mẹ cảm thấy lo lắng, cha mẹ cần phải hỏi bác sỹ hoặc nhân viên y tế. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy sự liên quan giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ.
Vắc-xin có thể phòng ngừa những bệnh gì?
Vắc-xin bảo vệ con bạn khỏi những bệnh nguy hiểm như Bại liệt có thể gây liệt; bệnh Sởi có thể gây viêm não và mù; Viêm gan B có thể đẫn đến xơ gan và ung thư gan sau này; Bạch hầu gây khó thở, có thể gây tổn thương tim, thận và/hoặc thần kinh; Uốn ván gây co giật, khó thở, tỷ lệ tử vong cao; Ho gà có thể dẫn đến tình trạng khó thở, viêm phổi, và tử vong; Quai bị gây biến chứng của quai bị có thể dẫn đến viêm màng não, viêm tinh hoàn và điếc; Ung thư tử cung (99%) là do nhiễm trùng HPV sinh dục gây ra. Hãy tìm hiểu thêm về danh sách các vắc-xin phổ biến và những bệnh mà vắc-xin có thể phòng ngừa tại Trung tâm tiêm chủng Gia Nguyễn.
Tôi có thể trì hoãn, không đưa con đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng không?
Một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ con bạn là tuân thủ theo lịch tiêm chủng ở quốc gia mà bạn sinh sống. Nếu bạn trì hoãn và chậm không đưa con đi tiêm vắc-xin, bạn sẽ làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh cho con mình.
Tôi có thể để con tôi bị thủy đậu mà không cần đi tiêm vắc-xin?
Mặc dù thủy đậu là một bệnh nhẹ, nhiều bậc cha mẹ có thể vẫn còn nhớ bệnh này từ hồi họ còn nhỏ (vắc-xin thủy đậu lần đầu tiên được giới thiệu năm 1995), nhưng một số trẻ em vẫn có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong hoặc khuyết tật vĩnh viễn. Vắc-xin giúp xóa bỏ nguy cơ biến chứng từ bệnh thủy đậu, và phòng tránh trẻ mắc thủy đậu lây sang anh chị em ruột, bạn bè hoặc bạn cùng lớp.
Lịch tiêm chủng hợp lý được khuyến cáo cho trẻ em như thế nào?
Lịch tiêm chủng của mỗi quốc gia khác nhau, phụ thuộc vào loại bệnh nào là phổ biến nhất. Bạn có thể tìm hiểu tổng quan về các vắc-xin và lịch tiêm chủng được khuyến cáo từ Bộ Y tế tại trang Website này hoặc liên hệ Trung tâm tiêm chủng Gia Nguyễn để được các bác sỹ tư vấn trực tiếp.