Viêm não Nhật Bản B là chứng bệnh nguy hiểm do dễ lây nhiễm và tỉ lệ tử vong cao. Tuy nhiên bệnh có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản mới IMOJEV (Pháp). Cả trẻ em và người lớn đều được khuyến khích tiêm phòng, nhất là những người thường xuyên đi du lịch. Các câu hỏi như viêm não Nhật Bản tiêm khi nào, tiêm bao nhiêu mũi… sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về bệnh viêm não Nhật Bản B
Viêm não Nhật Bản B là chứng bệnh truyền nhiễm cấp tính có tác động trực tiếp đến não bộ và có thể lây truyền qua đường máu. Bệnh nằm trong danh sách 21 bệnh trẻ thường gặp và có mức độ nguy hiểm cao.
Viêm não Nhật Bản B thường có dấu hiệu là nhiễm trùng toàn thân hay tình trạng viêm tủy nặng nguy cơ gây tử vong rất cao. Dù viêm não ở thể viêm hay thứ phát thì bệnh do virus viêm não gây nên đều rất nguy hiểm.
Bệnh viêm não Nhật Bản thường xuất hiện cao điểm vào mùa hè và muỗi là trung gian truyền bệnh. Khoảng tháng 6 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh, với đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi. Người lớn có sức đề kháng cao hơn nên ít bị mắc bệnh hơn.
Viêm não Nhật Bản B nguy hiểm như thế nào?
Tỷ lệ tử vong cao
Ngoài những triệu chứng thông thường, viêm não Nhật Bản B còn gây tử vong tương đối cao với tỷ lệ lên tới 30%. Cho dù có chữa được, nó cũng gây nhiều tổn thất nặng nề như tổn thương não bộ hay các di chứng khác về lâu dài.
Dễ lây nhiễm
Dịch bệnh viêm não Nhật Bản rất dễ bùng phát vì muỗi là loài vật sinh sôi rất nhanh nếu có môi trường thuận lợi. Mỗi con muỗi chứa virus viêm não Nhật Bản đều có thể là nguyên nhân khiến chứng bệnh nhanh chóng bùng phát.
Các biến chứng nguy hiểm
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường tiết niệu hay loét các điểm tì đè hoặc các chứng bệnh về thần kinh.
Nhìn chung, tỷ lệ người mắc chứng viêm não Nhật Bản B ở vùng đồng bằng sẽ cao hơn vùng núi và ở nông thôn cao hơn thành phố. Ngoài ra, trẻ sau khi mắc chứng bệnh này sẽ có hệ miễn dịch với bệnh chắc chắn và vững bền hơn các loại bệnh lý khác. Tuy nhiên, đây là chứng bệnh rất nguy hiểm cần được phòng tránh để giảm thiểu tối đa các tình huống xấu nhất.
Lịch tiêm và liều tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B
Viêm não Nhật Bản B là bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách tiêm vắc-xin. Dưới đây là thông tin kê toa sản phẩm về lịch tiêm và liều tiêm do nhà sản xuất vắc xin cung cấp:
Lịch tiêm
Vắc-xin viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi?
Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa tiêm vắc-xin JEVAX lần nào):
- Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: Cách 1 năm sau mũi 1.
Đối với trẻ đã tiêm vắc-xin JEVAX trước đó, muốn chuyển đổi sang tiêm IMOJEV:
- Trẻ đã tiêm 1 mũi JEVAX: Tiêm 2 mũi IMOJEV, trong đó mũi IMOJEV đầu tiên cách mũi JEVAX đã tiêm tối thiểu 2 tuần.
- Trẻ đã tiêm 2 mũi JEVAX: Tiêm 1 mũi IMOJEV cách mũi cuối JEVAX tối thiểu 1 năm.
- Trẻ đã tiêm 3 mũi JEVAX: Tiêm 1 mũi IMOJEV cách mũi cuối JEVAX tối thiểu 3 năm.
- Không tiêm nhắc vắc-xin JEVAX sau khi tiêm IMOJEV.
Đối với người tròn 18 tuổi trở lên: Chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất.
Đường tiêm, liều tiêm
- Trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi: Tiêm tại mặt trước – bên của đùi hoặc vùng cơ Delta ở cánh tay.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm tại vùng cơ Delta ở cánh tay.
- Liều tiêm: 0,5ml/liều IMOJEV hoàn nguyên.
Các lưu ý khi tiêm vắc xin IMOJEV
Thận trọng khi sử dụng:
- Không được tiêm vào lòng mạch máu.
- Đối với những người điều trị corticosteroid liều cao đường toàn thân trong 14 ngày hay trên 14 ngày, sau khi ngưng điều trị nên chờ ít nhất 1 tháng hoặc đến khi hồi phục khả năng miễn dịch rồi mới tiến hành tiêm vắc-xin IMOJEV.
Tác dụng không mong muốn:
- Phản ứng tại chỗ tiêm: Đỏ, ngứa, sưng, đau.
- Phản ứng toàn thân: Mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, đau cơ, ở trẻ em có thể sốt còn người lớn có thể phát ban.
Tương tác thuốc:
- Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm vắc-xin IMOJEV cùng lúc với vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị hay rubella.
- Nếu nơi sinh sống có nguy cơ cao mắc bệnh sởi, trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên có thể tiêm vắc-xin IMOJEV cùng lúc với vắc-xin phòng bệnh sởi.
- Khi tiêm vắc-xin IMOJEV cùng lúc với các vắc-xin khác, phải tiêm ở 2 vị trí khác nhau và phải dùng 2 bơm tiêm riêng biệt.
Bảo quản: Vắc-xin IMOJEV cần bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, không được để đóng băng và cần giữ trong hộp để tránh ánh sáng tác động.